Nhận được một bài do người quen gửi qua email nên Tứ Diễm xin mạn phép tác giả Huy Phương để đăng vào góc nhỏ nầy chia sẻ cùng những ai cùng cách nghĩ với tác giả. Ở cuối bài viết là Bảng Đối Chiếu Từ Ngữ Trước và Sau 1975.
Bên dưới là nguyên văn một bài viết của tác giả Huy Phương, Tứ Diễm nhận được qua email, xin mạn phép tác giả để chia sẻ cùng những ai cùng cách nghĩ với tác giả.
Dị Ứng Chữ Nghĩa
Tác giả Huy Phương
Tôi đồng ý với nhiều người đã cho rằng không có ngôn ngữ Việt Cộng, ngôn ngữ miền Nam mà chỉ có ngôn ngữ Việt Nam và ngôn ngữ phát triển và đa dạng hóa theo thời gian. Nhưng là một người sinh ra và lớn lên, sống ở miền Nam ít nhất là nửa thế kỷ, tôi cảm thấy hụt hẫng và cảm thấy dị ứng với thứ ngôn ngữ hôm nay, nói rõ là thứ ngôn ngữ phát sinh ra từ sau ngày đại họa, khi mà Việt Cộng cai trị toàn bộ đất nước Việt Nam Cộng Hòa.
Không phải dị ứng với chữ nghĩa, mà tôi còn dị ứng với giọng nói của Hà Nội bây giờ, nó khác xa với Hà Nội thanh lịch của bốn mươi năm về trước. Làm sao tôi quên được giọng nói của đài phát thanh Hà Nội, “thủ đô của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” mà mỗi tối, tôi vẫn thường phải nghe cái giọng the thé của cô xướng ngôn viên qua chiếc loa rè treo ở cái chòi gác đầu trại, những đêm rét buốt ở trong những trại tù Hoàng Liên Sơn. Giọng nói đó còn theo đuổi, ám ảnh tôi cho đến ngày hôm nay.
Từ ngày bị anh em “ngoài ta” thống trị, ngoài những tiếng “ngụy ngôn” xảo trá như "cách mạng, giải phóng, học tập cải tạo, ngụy quân, ngụy quyền..." chúng ta thấy cả một rừng chữ nghĩa đảo lộn trong một xã hội điên đảo. Dân Sài Gòn đã nhìn tận mắt loại chữ nghĩa quái đản, sản phẩm của chế độ mới như “xưởng đẻ,” “cửa hàng thịt phụ nữ,” “nhà đái nam, nhà đái nữ...”
Cũng không phải vì lý do chính trị mà tôi ghét nó, hoặc có định kiến, kiểu “ghét ai ghét cả tông nhân họ hàng,” nhưng tôi ghét cái thứ ngôn ngữ tùy tiện, vô nghĩa và lai căng hay bắt chước Tàu một cách hoàn toàn vô ý thức và thiếu khôn ngoan.
Trước khi đi quá xa, và để cho độc giả khỏi quên, tôi xin nói ngay vào lối nói kiểu Tàu của người trong nước bây giờ. Chúng ta vẫn nghe những tiếng lạ tai từ khi nón cối dép râu “tiến về Sài Gòn,” thứ ngôn ngữ đặc sệt Tàu, mà chúng ta chưa hề nghe, chưa biết dùng nhưng cuối cùng cũng phải dùng, phải nghe nếu không sợ bị lạc đường. Đó là những tiếng hộ khẩu, hộ lý, hải quan, xuất khẩu, trợ lý, thủ trưởng, đăng ký, đường cao tốc, vô tư, bức xúc, bảo vệ, cơ địa, xử lý, khẩn trương, triều cường, giải phóng mặt bằng, quân hàm, sư trưởng... khác xa những gì mà chúng ta đã dùng thời trước.
Cái thì quá Hán, nhưng có cái thì quá nôm na. Thủy Quân Lục Chiến thì gọi là “Lính Thủy Đánh Bộ,” Bạch Ốc là “Nhà Trắng,” trực thăng là “máy bay lên thẳng,” tài xế thì gọi là “lái xe,” đại tiện hay tiểu tiện thì gọi là “ỉa, đái”... có khi nửa nôm nửa hán như “cán bộ gái,” có khi thô bỉ như “giường cứng- giường mềm,” có lúc ngớ ngẩn và vô nghĩa như “làm gái!”
Nếu chữ nghiêm trang, nghiêm chỉnh của chúng ta để nói về một thái độ, một nhân dáng thì vì sao trong nước lại dùng chữ nghiêm túc (nghĩa của nó là đứng yên - toàn thể túc lập!) Nếu chữ “liên lạc” của chúng ta dùng trong nghĩa trao đổi, thông tin thì cũng với nghĩa đó, họ dùng chữ “liên hệ,” như trong nghĩa nó có nghĩa trói buộc với nhau như gia tộc, con cái, họ hàng. Vì chúng ta đâu cần phải “liên hệ” qua điện thoại với một công ty khi chỉ cần mua một món hàng.
Có những địa hạt, việc dùng chữ nghĩa quá tùy tiện và ngu dốt, một cách “nói chữ” như chữ “xử lý” bị lợi dụng một cách nặng nề và không cần thiết như nói “xử lý cá xong” thì đến “xử lý” rau. Thay vì nói đơn giản “một con bọ xít” thì họ nói “một cá thể bọ xít,” thay vì nói “đi dạy học tại trường X.” thì người ta nói “nhận công tác giảng dạy...”
Nói chung là người ta thích dùng “đại ngôn” cho nó oai, ra điều chữ nghĩa, như ông bà ta có câu: “dốt thì hay nói chữ,” quảng cáo cho mấy cái bồn rửa nhà cầu, người ta cũng dùng đến tiếng “hoành tráng.”
Ba chữ “dòng, luồng và chùm” bị lạm dụng và gán ép một cách ngây ngô như: - “Dòng kem dưỡng da;” - “Luồng tư duy, luồng thông tin , luồng văn hóa , khám bệnh ngoài luồng;” - “Chùm ảnh, chùm thơ...”
Trong nước bây giờ thích nói chữ, Tây hay Tàu hơn là thuần Việt: Ảnh “nude” hơn là ảnh khỏa thân , “VIP” hơn là nhân vật quan trọng , “logic” là lý luận, “tuổi teen” hơn là tuổi thiếu niên, “ô tô” thay vì xe hơi, “nội y” thay vì áo quần lót , “sở hữu” hơn là có , “khẩn trương” thay vì nhanh lên.
Nếu vì trời sương mù mà trên xa lộ nhiều chiếc xe hơi đụng nhau dây chuyền (xe nọ đụng đít xe kia) thì vì sao họ dùng chữ “đụng liên hoàn,” cho ra Tàu, trong khi chữ liên hoàn còn có nghĩa “trở lại” như thơ liên hoàn là bài thơ mà câu cuối lặp lại câu đầu tiên. Cái xe đầu tiên bị đụng không thể nào đụng lại cái xe cuối cùng trên đường!
Trong khi chúng ta dùng chữ máy thu thanh (radio[bacaytruc.com]) thì Cộng Sản dùng chữ “đài,” chữ này chỉ có thể dùng để chỉ nơi phát thanh, như đài phát thanh Hà Nội. Cũng với lối nói tắt này, đôi khi vô nghĩa, nhưng theo thói quen ở trong nước, người ta vẫn hiểu, như vừa “xuất viện” là mới ở bệnh viện (nhà thương) ra, “nhập viện” là vào nhà thương. Nếu nói “điện” thì phải hiểu nghĩa là điện thoại. Thu phí là thu lệ phí!
Cộng Sản lấy tên Hồ Chí Minh đặt thay cho Sài Gòn có nhiều điều bất tiện và bất kính, vì người ta không thể nói: “Tôi đi... Hồ Chí Minh,” hay “Hồ Chí Minh bây giờ nạn cướp bóc tràn lan” mà phải dùng nguyên câu “thành phố Hồ Chí Minh.” Vì cái tên quá dài, nên bây giờ người Cần Thơ đi Sài Gòn thì chỉ cần nói là “lên thành phố!” là người ta đã hiểu.
Cỡ lớn láo như Phùng Quang Thanh, lên tới đại tướng mà còn mở miệng nói, “Không phong tướng, anh em tâm tư!” thì “chị em ta” cũng có thể nói, “Chị làm em cũng tâm trạng theo chị!” hay “con ấy... cực kỳ!” Danh từ, động từ, tĩnh từ, trạng từ... cứ loạn cả lên, toàn là những thứ “lộng ngôn” và “loạn ngôn” một cách rất “bất quy tắc!”
Thời trước đi học, mà viết, làm luận văn, nói lối này thì chắc chắn là bị thầy, cô giáo sổ...toẹt! Và thời nay nếu bỏ nước ra đi khá lâu, về thăm lại quê hương nên có một người đi theo để thông dịch.
Nói chuyện chữ nghĩa thời nay, thì phải viết thành một cuốn từ điển dày nghìn trang. Tôi không có tham vọng làm một cuộc nghiên cứu hay thống kê mà chỉ ghi.. tạp một vài chuyện mua vui. Nhưng chúng ta cũng nên cẩn thận, đừng ngộ nhận, khi có những tiếng ít nghe, ít dùng, nghe chưa quen tai đã vội chụp nón cối cho nó. Có lần tôi dùng tiếng “xiển dương” trong một bài viết, đã bị một ông bạn già khiển trách “sao lại dùng chữ Việt Cộng?”
Điều đau lòng tôi muốn trình bày với độc giả hôm nay là chúng ta lệ thuộc Tàu cả nghìn năm mà còn giữ được tiếng nói, chữ viết và bản sắc dân tộc. Trong nước nô lệ Cộng Sản mới bốn mươi năm mà dễ chừng ngôn ngữ đã có những sự thay đổi, nhất là ảnh hưởng không ít với những người đã đi ra nước ngoài, đã từng là nạn nhận của Cộng Sản. Tôi đã gặp những người tù chính trị đã ở trong nhà tù tập trung năm, mười năm mà vẫn dùng những danh từ “đi học tập- cải tạo” hay “trước giải phóng- sau giải phóng” một cách không suy nghĩ, thì trách gì vợ con họ, lấy lý do vì ở với Cộng Sản một thời gian dài, nên bị “đồng hóa!”
Một chuyện khác là các cơ quan truyền thông ở hải ngoại, vẫn cho mình là có lập trường chống Cộng nhưng vẫn dùng nguyên bản những tin tức, chương trình trong nước mà không chịu bỏ thời giờ sửa đổi lại theo cách nói và cách viết truyền thống của người Việt tại miền Nam trước 1975 và kể cả tại miền Bắc trước năm 1954.
Có khi vì thiếu vốn, lười biếng hay thỏa hiệp, truyền thông hải ngoại đem luôn cả chương trình làm sẵn, các cuốn phim của các nhà sản xuất hay đài truyền hình Việt Nam chiếu trong chương trình hằng ngày. Do vậy, tuy trên đài truyền hình không có cờ đỏ sao vàng, có chân dung lãnh tụ cộng sản, nhưng ngôn ngữ, hình ảnh, và chương trình từ giải trí đến thời trang, thi hoa hậu, đố vui, thực chất là những đài truyền hình Cộng Sản được soạn ra công phu để dành làm quà cho hải ngoại.
Người ta đã nói đến chuyện con ếch được luộc chín từ từ trong nước lạnh, hay chiến thuật vết dầu loang. Dần đà, chúng ta sẽ nghe quen tai, nhìn quen mắt và bị “luộc” lúc nào không hay. Và những con người vốn chân chất, thật thà, tin người, chỉ thấy cái lợi trước mắt và cho cá nhân mình, không cảnh giác sẽ còn thua... nữa!
Huy Phương
Bảng Đối Chiếu Từ Ngữ
Do hiện nay cách dùng từ ngữ tại Việt Nam biến đổi quá nhiều, không chỉ do cách dùng từ ngữ cũ nhưng lại mang nghĩa khác xa với ý nghĩa mọi người vẫn hiểu từ xưa, lại thêm cách ghép từ ngữ cũ lại thành những từ ngữ mới rất tối nghĩa hay là viết tắt, nói tắt không trọn từ hay là dùng sai văn phạm, không phân biệt danh từ, động từ, tính từ khiến người nghe đôi khi chẳng hiểu được người kia đang muốn diễn tả điều gì. Có những bài viết lạm dụng từ ngữ quá mức nhưng lại vẫn rất tối nghĩa, dù độc giả đọc tới đọc lui nhiều lần vẫn không hiểu rõ được nội dung tác giả muốn diễn đạt.
Vì thế đã có một số vị dành thời gian soạn ra một danh sách các từ ngữ "xưa" và "nay" mong là sẽ giúp "thông dịch" để hiểu được phần nào lối viết và từ ngữ đang phổ biến hiện nay trong nước.
Sau 1975 | Trước 1975 |
---|---|
Ách tắc giao thông | Kẹt xe |
Ấn tượng | Đáng ghi nhớ, đáng nhớ |
Bác sỹ / Ca sỹ | Bác sĩ / Ca sĩ |
Bang | Tiểu bang (State) |
Bánh mỳ | Bánh mì |
Bắc bộ / Trung bộ / Nam bộ | Bắc phần / Trung phần / Nam phần |
Báo cáo | Thưa trình, nói, kể |
Bảo quản | Che chở, giữ gìn, bảo vệ |
Bài nói | Diễn văn |
Bảo hiểm (mũ) | An toàn (mũ) |
Bèo | Rẻ (tiền) |
Bệnh tiêu chảy cấp | Bệnh tiêu chẩy cấp tính |
Bị, hơi bị (đẹp) | Không dùng động từ “bị;” chỉ dùng tĩnh từ (đẹp) |
Bồi dưỡng (hối lộ?) | Nghỉ ngơi, tẩm bổ, săn sóc, chăm nom, ăn uống đầy đủ |
Bóng đá | Đá Banh, Túc cầu |
Bức xúc | Dồn nén, bực tức |
Bất ngờ | Ngạc nhiên (surprised) |
Bo (tiền) | Tiền thưởng (tips) |
Bộ phận nhân viên | Một số, một nhóm nhân viên |
??? | Bộ phận = cơ quan trong cơ thể (sinh vật) |
Bổ sung | Thêm, bổ túc |
Cách ly | Cô lập |
Cảnh báo | Báo động, phải chú ý |
Cái Alô | Cái điện thọai (telephone receiver) |
Cái đài | Radio, máy phát thanh |
Căn hộ | Căn nhà |
Cảng hàng không quốc tế | Phi trường quốc tế |
Căng (lắm) | Căng thẳng (intense) |
Cầu lông | Vũ cầu |
Chảnh | Kiêu ngạo, làm tàng |
Chất lượng | Phẩm chất tốt (chỉ đề cập phẩm “quality,” không đề cập lượng “quantity”) |
Chất xám | Trí tuệ, sự thông minh |
Chế độ | Quy chế |
Chỉ đạo | Chỉ thị, ra lệnh |
Chỉ tiêu | Định suất |
Chủ nhiệm | Trưởng ban, Khoa trưởng |
Chủ trì | Chủ tọa |
Chữa cháy | Cứu hỏa |
Chiêu đãi | Thết đãi |
Chui | Lén lút |
Chuyên chở | Nói lên, nêu ra |
Chuyển ngữ | Dịch |
Chứng minh nhân dân | Thẻ Căn cuớc |
Chủ đạo | Chính |
Co cụm | Thu hẹp |
Công đoàn | Nghiệp đoàn |
Công nghiệp | Kỹ nghệ |
Công sự (việc công) | Công vụ |
Công trình | Công tác |
Cơ bản | Căn bản |
Cơ khí (tĩnh từ!) | Cầu kỳ, phức tạp |
Cơ sở | Căn bản, nguồn gốc |
Cửa khẩu | Phi cảng, Hải cảng |
Cụm từ | Nhóm chữ |
Cực đại | Tối đa |
Cực hạn | Vô giới hạn |
Cứu hộ | Cứu cấp |
Dân oan | ??? (trước 1975 không có từ nầy) |
Diện | Thành phần |
Diễu hành | Diễn hành |
Dự kiến | Phỏng định |
Đại học mở | ??? (đại học tư ???) |
Đào tị | Tị nạn |
Đầu ra / Đầu vào | Xuất lượng / Nhập lượng |
Đại táo / Tiểu táo | Nấu ăn chung, ăn tập thể / Nấu ăn riêng, ăn gia đình |
Đại trà | Quy mô, cỡ lớn |
Đảm bảo | Bảo đảm |
Đăng ký | Ghi danh, ghi tên |
Đáp án | Kết quả, trả lời |
Đề xuất | Đề nghị |
Điện thoại đường dài | Điện thoại viễn liên |
Đối tác | Đối tượng hợp tác ??? |
Đội ngũ | Hàng ngũ |
Đồng bào dân tộc | Đồng bào sắc tộc |
Đổng, đài, đạp | Đồng hồ, máy phát thanh (radio), xe đạp |
Động não | Vận dụng trí óc, suy luận, suy nghĩ |
Động thái | Động lực |
Động viên | Khuyến khích |
Đột xuất | Bất ngờ |
Đường băng | Phi đạo |
Đường cao tốc | Xa lộ |
(tính tình) Gai góc | (tính tình) Ngang bướng, ương ngạnh ??? |
Gia công | Làm ăn công |
Giải phóng | Lấy lại, đem đi… (riêng chữ này bị lạm dụng rất nhiều) |
Giải phóng mặt bằng | Ủi cho đất bằng |
Giản đơn | Đơn giản |
Giao lưu | Giao thiệp, trao đổi |
Giáo viên | Giáo sư |
Hạch toán | Kế toán |
Hải quan | Quan Thuế |
Hàng không dân dụng | Hàng không dân sự |
Hát đôi | Song ca |
Hát tốp | Hợp ca |
Hạt nhân (vũ khí) | Nguyên tử |
Hậu cần | Tiếp liệu |
Học vị | Bằng cấp |
Hệ quả | Hậu quả |
Hiện đại | Tối tân |
Hộ Nhà | Gia đình |
Hộ chiếu | Sổ Thông hành |
Hồ hởi | Phấn khởi |
Hộ khẩu | Tờ khai gia đình |
Hội chữ thập đỏ | Hội Hồng Thập Tự |
Hoành tráng | Nguy nga, tráng lệ, đồ sộ |
Hưng phấn | Kích động, vui sướng |
Hữu hảo | Tốt đẹp |
Hữu nghị | Thân hữu |
Huyện | Quận |
Kênh | Băng tần (Channe |
Khả năng (có) | Có thể xẩy ra (possible) |
Khẩn trương | Nhanh lên |
Khâu | Nhóm, ngành, ban, khoa |
Khủng | ??? |
Kiều hối | Ngoại tệ |
Kiệt suất | Giỏi, xuất sắc |
Kinh qua | Trải qua |
Kinh tế gia đình | Tài chính gia đình |
Làm gái | Làm nghề mãi dâm |
(công an) Làm việc | Thẩm vấn, điều tra |
Lãnh đạo | Chỉ huy |
Lầu năm góc / Nhà trắng | Ngũ Giác Đài / Tòa Bạch Ốc |
Liên hoan | Đại hội, ăn mừng |
Liên hệ | Liên lạc (contact) |
Linh tinh | Vớ vẩn |
Lính gái | Nữ quân nhân |
Lính thủy đánh bộ | Thủy quân lục chiến |
Logic | Lý luận |
Lợi nhuận | Lợi tức |
Lược tóm | Tóm lược |
Lý giải | Giải thích (explain) |
Máy bay lên thẳng | Trực thăng |
Múa đôi | Khiêu vũ |
Mĩ | Mỹ (Hoa Kỳ, USA) |
Nắm bắt | Nắm vững |
Nâng cấp | Nâng, hoặc đưa giá trị lên |
Năng nổ | Siêng năng, tháo vát |
Nghệ nhân | Thợ, nghệ sĩ |
Nghệ danh | Tên nghệ sĩ (stage name) dùng ngoài tên thật |
Nghĩa vụ quân sự | Đi quân dịch |
Nghiêm túc | Nghiêm chỉnh |
Nghiệp dư | Đi làm thêm (2nd job / nghề phụ, nghề tay trái) |
Nhà ga quốc tế | Phi trường quốc tế |
Nhà khách, nhà nghỉ | Khách sạn |
Nhà văn nữ | Nữ văn sĩ |
Nhất trí | Đồng lòng, đồng ý |
Nhất quán | Luôn luôn, trước sau như một |
Nhu cầu | cần (chữ nhu cầu bị lạm dụng vào mọi trường hợp) |
Người nước ngoài | Ngoại kiều |
Nỗi niềm (tĩnh từ!) | Vẻ suy tư |
Phần cứng | Cương liệu |
Phần mềm | Nhu liệu |
Phản ánh | Phản ảnh |
Phản hồi | Trả lời, hồi âm |
Phát sóng | Phát thanh |
Phó Tiến Sĩ | Cao Học |
Phi khẩu | Phi trường, phi cảng |
Phi vụ | Một vụ trao đổi thương mại (a business deal = thương vụ) |
Phục hồi nhân phẩm | Hoàn lương |
Phương án | Kế hoạch |
Quá tải | Quá sức, quá mức |
Quán triệt | Hiểu rõ |
Quản | Quan tâm |
Quản lý | Quản trị |
Quảng trường | Công trường |
Quân hàm | Cấp bực |
Quy hoạch | Kế hoạch |
Quy trình | Tiến trình |
Quy trình xử lý nguyên liệu (cooking) | Cách làm (món ăn) |
Quỹ thời gian không cho phép | Bận rộn, không có thời gian |
Siêu | ??? |
Sốc (“shocked)” | Kinh hoàng, kinh ngạc, ngạc nhiên |
Sơ tán | Tản cư |
Sư | Sư đoàn |
Sức khỏe công dân | Y tế công cộng |
Sự cố | Trở ngại |
Sự cố xe cộ | Hư xe |
Tác nghiệp | ??? (chữ nầy bị dùng sai nghĩa) |
Tâm trạng | ??? (chữ nầy bị lạm dụng trong mọi trường hợp) |
Tập đoàn / Doanh nghiệp | Công ty |
Tập kết | Tập trung |
Tên lửa | Hỏa tiễn |
Tham gia lưu thông (xe cộ) | Lưu hành |
Tham quan | Thăm viếng |
Thanh lý | Thanh lọc |
Thân thương | Thân mến |
Thần kinh | Điên, bệnh tâm thần |
Thi công | Làm |
Thị phần | Thị trường |
Thu nhập | Lợi tức |
Thủ hạ lưu tình | Hạ thủ lưu tình (hạ thủ mới đúng vì thủ hạ = người dưới quyền, còn hạ thủ = ra tay, xuống tay) |
Thư giãn | Tỉnh táo, giải trí |
Thuyết phục (tính) | Có lý (makes sense), hợp lý, tin được |
Tiên tiến | Xuất sắc |
Tiến công | Tấn công |
Tiếp thu | Tiếp nhận, thâu nhận, lãnh hội |
Tiêu dùng | Tiêu thụ |
Tổ lái | Phi hành đoàn |
Tờ rơi | Truyền đơn, quảng cáo |
Tranh thủ | Cố gắng |
Trí tuệ | Kiến thức |
Triển khai | Khai triển |
Tuyên truyền | Quảng cáo, phổ biến |
Tư duy | Suy nghĩ |
Tư liệu | Tài liệu |
Tự sướng | Selfie ??? |
Từ | Tiếng, chữ |
Ùn tắc | Tắt nghẽn |
Vấn nạn | Vấn đề |
Vận động viên | Lực sĩ |
Viện Ung Bướu | Viện Ung Thư |
Vô tư | Tự nhiên |
Vụ việc | Sự việc |
Vùng sâu, vùng xa | Thôn quê |
Xác tín | Chính xác |
Xe con | Xe du lịch |
Xe khách | Xe đò |
Xe ô tô con | Xe du lịch, xe hơi |
Xử lý | Giải quyết, thi hành |
Xưởng đẻ | Nhà bảo sinh |
Tứ Diễm sẽ update bài viết thêm sau
0 nhận xét:
Đăng nhận xét