Updated: Feb 5, 2016
Từ khi mua nồi Thermal Cooker, Tứ Diễm mới bắt đầu nghĩ đến việc gói Bánh Chưng ở nhà. Với nồi Thermal Cooker việc luộc bánh rất tiện lợi vì không cần phải canh chừng bếp, không bị hơi nước tích tụ trong nhà và cũng tiết kiệm được tiền điện.
Năm nay Tứ Diễm cũng gói Bánh Chưng tại nhà. Đây là hình đợt Bánh Chưng đầu mùa Tết Nguyên Đán Bính Thân do Tứ Diễm vừa làm hôm cuối tuần.
Thêm một đợt Bánh Chưng nữa
Mời cùng vào bếp
Nhắc đến Tết là lại nghĩ đến hai câu đối "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Ngày nay cây nêu, tràng pháo và câu đối đỏ đã không còn phổ biến vào dịp Tết nữa, nhưng nếu không có Bánh Chưng (hay Bánh Tét) thì dường như không có vẻ ngày Tết. Bánh Chưng không chỉ là một món ăn giản dị mà ngon, hương vị đậm đà mà lại còn được nhắc đến trong câu chuyện truyền thuyết đầy ý nghĩa vẫn được lưu truyền từ xưa đến nay.
Vài Dòng Sơ Lược
Bánh Chưng là món bánh đặc biệt thuộc miền Bắc, gồm gạo nếp, đậu xanh và thịt heo đã ướp gia vị gói trong lá dong, buộc bằng lạt tre. Qua bên này, không có lá dong nên dùng lá chuối đông lạnh để gói. Không có lạt tre, người ta dùng dây nylon cột bánh.
Cách luộc cũng khá đa dạng. Có người dùng lò gas luộc bánh bên ngoài nhà hay trong garage. Có người luộc trong nhà. Có người dùng nồi slow cooker hay pressure cooker để luộc bánh. Có người thích cách luộc trong lò oven bằng cách đặt bánh chưng nằm ngập trong nồi nước sôi rồi đặt nồi vào "nấu" trong lò oven. Cũng có người chọn cách nấu sôi khoảng 15 phút xong tắt bếp để yên cho bánh chín âm ỉ. Một tiếng sau lại nấu sôi khoảng 15 phút rồi tắt bếp. Lập lại vài lần rồi để yên cho bánh chín. Nói chung mỗi người thường chọn cách luộc bánh phù hợp ý thích.
Riêng Tứ Diễm vẫn chỉ luộc bánh trong nồi Thermal Cooker vì gọn, tiện, không cần canh bếp, tiết kiệm tiền điện lại không bị hơi nước tích tụ trong nhà. Khuyết điểm là nồi nhỏ nên mỗi lần chỉ luộc được sáu bánh chưng cỡ nhỏ. Do đó nếu tính làm nhiều thì cần phải luộc nhiều đợt. Nhưng điều nầy cũng có điểm lợi là có thể luộc các loại bánh chay mặn riêng, có thể nếm bánh luộc đợt trước để biết ngon dở mà gia giảm cho các đợt bánh sau.
Bánh nhỏ nhìn xinh xắn, thời gian chín cũng nhanh hơn. Bóc bánh nào ăn bánh đó, không cần phải cắt từng góc như khi ăn bánh chưng lớn. Thêm vào nữa, có thể bọc lớp aluminum foil cũng đủ giúp bánh rền ngon, không cần phải mất công cột dây. Gói theo cách xếp lá vào khuôn nên bánh rất vuông vắn, dù là trước hay sau khi luộc, bánh vẫn giữ được hình dáng vuông vức. Sau khi luộc chín, Bánh Chưng còn được ép nên bánh rất rền ngon và có thể để dành lâu vì không bị nước đọng trong lá.
Bắt Đầu Vào Bếp
Tứ Diễm vẫn gói bánh theo cách đã chia sẻ trong bài viết Bánh Chưng - Cách Làm
Mỗi 5 cups gạo nếp vo sạch, ngâm xong để ráo, xóc với 2 tsp muối. Mỗi gói đậu xanh 300 grams sau khi vo sạch, ngâm rồi nấu chín, xay nhuyễn với 1 tsp muối + 1 tsp tiêu thêm một ít dầu ăn. Nếu ai thích mùi tiêu cay cay thì nêm thêm một chút tiêu nữa, nhân bánh sẽ thơm mùi tiêu hơn. Thịt heo chọn loại có lẫn mỡ, ướp nước mắm + đường + tiêu + hành hương + hành lá + hành tây + bột tỏi cho vừa ăn.
Tứ Diễm dùng nồi Thermal Cooker nấu đậu xanh với nước sôi vài phút xong đem ủ, đậu xanh sẽ chín mà không bị cháy ở phần đáy nồi. Nếu không dùng nồi Thermal Cooker, cũng có thể nấu đậu xanh trong nồi cơm điện nhưng nhớ canh chừng mở nắp kẻo bị trào khi nước đang sôi. Ngoài ra còn có thể nấu đậu xanh trong microwave cũng rất gọn và tiện lợi.
Có người thích gói bánh dùng đậu xanh còn sống, có người hấp chín nhưng để nguyên hạt đậu xanh. Tuy nhiên Tứ Diễm vẫn thích cách nấu chín, xay nhuyễn, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi mới đem gói bánh, nhân đậu sẽ thơm, bùi và mịn, ăn ngon hơn. Nói chung là tùy theo ý thích mà chọn cách làm cho hợp khẩu vị.
Sau khi xay xong, ép đậu vào khuôn cookie cutter thành từng miếng vuông, sẵn sàng để gói bánh cho gọn. Tứ Diễm cất đậu xanh trong tủ lạnh, khi gói mới mang ra
Trong hình là khuôn bánh chưng do Tứ Diễm tự làm. Khuôn cookie cutter để làm khuôn ép nhân đậu xanh thành những miếng hình vuông. Mỗi cái bánh sẽ có hai miếng nhân đậu xanh như trong hình.
Xếp lá rồi rải một lớp nếp (3/8 cup), xong đặt một miếng đậu xanh, một lớp thịt heo + mỡ đã ướp gia vị rồi thêm một miếng đậu xanh
Rải thêm 3/8 cup nếp, lèn cho chặt vào bốn góc và phẳng mặt
Bẻ lá, xếp thành hình chữ X như trong hình. Cả hai mặt đều có hình chữ X như vậy. Cách xếp và gói bánh đã được chia sẻ trong bài viết Bánh Chưng - Cách Làm
Đây là đợt Bánh Chưng đầu tiên do Tứ Diễm vừa làm xong trong mùa Tết Bính Thân. Hình chụp trước khi luộc trong nồi Thermal Cooker.
Mỗi lần ủ được sáu cái Bánh Chưng xếp như trong hình. Bánh nhỏ nên Tứ Diễm chỉ bọc aluminum foil, không cần cột dây
Và đây là Bánh Chưng sau khi vừa ủ trong nồi Thermal Cooker cho đến khi đã chín rền, vừa vớt khỏi nồi nên còn nóng, chưa ép nhưng bánh nhìn cũng đã vuông vức đẹp gái. Hình chụp vào buổi tối, dưới ánh đèn vàng nên nhìn mầu lá cũng bị ngả sắc vàng hơi nhiều.
Ngày còn ở Việt Nam, sau khi ép xong, lau lá cho sạch là coi như đã xong. Lớp lá bên ngoài sẽ khô từ từ nhưng giúp Bánh Chưng không cần cất tủ lạnh cũng để dành được khá lâu. Còn ở hải ngoại, sau khi ép xong, lau lại lá cho sạch, bọc một lớp cling wrap để giữ cho lớp lá nhìn mướt và đẹp mắt hơn. Vậy là đã hoàn tất món Bánh Chưng rồi đó.
Làm Đẹp Cho Bánh
Cột thêm nơ nhìn cho đẹp mắt hơn. Với cách gói bánh như vầy, Bánh Chưng rất chắc tay và vuông vức, hai mặt đều xếp lá thành hình chữ X nhìn xinh xắn dễ thương. Hình chụp vào ban ngày nên nhìn mầu lá xanh đẹp hơn.
Trang điểm nhìn cho đẹp mắt hơn một chút, chuẩn bị mang đi biếu kèm với Mứt và Mắm Thái Chay
Thêm hai đợt Bánh Chưng nữa vừa luộc và ép xong
Trang điểm thêm một xíu cho Bánh Chưng nhìn mầu mè hoa lá cành hơn
Tứ Diễm đã biếu một số bánh. Trong hình là một số Bánh Chưng còn lại. Tạm thời Tứ Diễm mới gói và ủ được bốn đợt, xem như hoàn tất 24 cái Bánh Chưng cả chay lẫn mặn. Tối nay Tứ Diễm sẽ gói thêm mười ba cái Bánh Ú Chay và Mặn nữa là tạm xong phần bánh chưng bánh ú. Năm nay Tứ Diễm không định gói bánh tét.
Năm nay toàn bộ số gạo nếp, đậu xanh, thịt và lá chuối dùng vừa đủ, không còn dư một chút xíu nào cả. Như vậy Tứ Diễm dùng vừa đúng 3 gói lá chuối đông lạnh và 4 gói đậu xanh (300 grams mỗi gói). Tứ Diễm quên không cân số lượng thịt heo và gạo nếp đã dùng. Có lẽ Tứ Diễm đã dùng tổng cộng khoảng 18 cup gạo nếp chưa ngâm. Tứ Diễm gói được 6 bánh chưng chay + 18 bánh chưng mặn + 6 bánh ú chay + 7 bánh ú mặn. Mỗi Bánh Chưng kích thước 8.5 cm x 8.5 cm x 4.5 cm. Mỗi Bánh Ú hình khối tam giác đều, mỗi cạnh 10 cm, gói dùng khuôn nên đều và nhìn đẹp hơn là gói bằng tay. Mời xem thêm hình ảnh và chi tiết về món Bánh Ú trong bài viết Bánh Ú 2016.
Tạm thời mới hoàn tất như vậy thôi.
Sau khi biếu, được nghe feedback cho biết là Bánh Chưng thơm ngon, đậm đà vừa ăn. Vậy xem như cũng bõ công "sleepless in the kitchen" mấy tối liền.
Ghi Chú Thêm
Có một số vị hỏi Tứ Diễm dùng cách gì để đong 3/8 cup gạo nếp. Tứ Diễm trả lời chung thắc mắc của quý vị trong bài viết nầy luôn nghen.
Tứ Diễm dùng loại measuring cup dung tích 1/4 cup để đong gạo nếp. Đong 1 lần gạt ngang = 1/4 cup = 2/8 cup. Thêm một lần đong phân nửa = 1/8 cup nữa. Như vậy tổng cộng sẽ là 3/8 cup, đơn giản và dễ làm, phải không hở?
Ngoài ra, nếu dùng aluminum foil để bao bên ngoài bánh chưng khi luộc, sau khi vớt bánh ra, đừng đem liệng bỏ những lớp aluminum foil đó. Giữ lại, để ráo nước, cuốn từng tờ foil lại thành cuộn xong dùng kéo cắt thành từng khúc mỏng. Khi cắt qua các cuốn aluminum foil như thế sẽ giúp mài cho lưỡi kéo sắc bén hơn. Xem như một cách recycle vật liệu phế thải và có thể rất dễ dàng giữ cho lưỡi kéo luôn sắc bén.
Mời xem thêm các bài viết
0 nhận xét:
Đăng nhận xét