Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Published tháng 9 26, 2015 by Anonymous with 0 comment

Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên

Updated: Oct 18, 2015

Trong hội họa, chúng ta thường dùng cọ để vẽ từng đường nét tạo nên một bức tranh.   Phải chăng trong ẩm thực, chúng ta cũng có thể múa dao để tạo nên một "bức tranh" thơm ngon ngọt mà vẫn không kém phần bắt mắt?

Đây là "bức tranh" Đồng Tùng Hạc Diên Niên do Tứ Diễm vừa hoàn tất dùng làm quà mừng Thọ 80 tuổi một vị họ hàng thân thuộc.   "Bức tranh" nầy được Tứ Diễm dùng mũi dao cắt rồi ghép từng mảnh nhỏ làm từ rau câu (Agar-agar và Jelly Powder).


Nếu có hứng thú, mời cùng xem tiếp theo nha.


Trước đây Tứ Diễm đã chia sẻ khá nhiều kiểu Rau Câu, bao gồm từ loại đơn giản nhất là các kiểu Rau Câu Đổ Khuôn một hay nhiều mầu cho đến những loại Rau Câu Hoa Nổi phức tạp để tạo nên nhiều kiểu bánh một hay nhiều tầng với nhiều kích thước nhỏ lớn khác nhau.  Có thể xem thêm chi tiết và hình ảnh trong danh sách liệt kê ở cuối bài viết.

Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Tứ Diễm mới áp dụng cách làm rau câu hoa nổi dùng mũi dao "vẽ" thành một bức tranh sơn thủy với chủ đề Đồng Tùng Hạc Diên Niên để làm quà mừng Thọ 80 tuổi một vị họ hàng thân thuộc.



Vài Dòng Tản Mạn

Ngày xưa khoa học còn chưa tiến bộ, y học còn chưa tìm ra những phương thuốc và cách chữa trị một số loại bệnh tật hay bệnh dịch nên tuổi thọ con người không cao.  Vì thế người ta hay nhắc câu "nhân sinh thất thập cổ lai hy".  Còn có câu "Thất thập nhị tùng sở dục bất du củ"; ý nói khi đã sống đến tuổi 70 với nhiều kinh nghiệm tích lũy trong cuộc sống nên người ta thấu hiểu, biết cách suy nghĩ, diễn đạt qua lời nói hay cư xử phù hợp, hoàn hảo trong mọi tình thế theo chuẩn mực đạo đức.

Ngày nay, "thất thập" không còn "cổ lai hy" nữa.   Nhưng đến tuổi "Bát thập đắc hi hỉ" mà vẫn còn dồi dào sức khỏe, cơ thể tráng kiện, trí óc minh mẫn và tâm trí thanh thản thì cũng không đơn giản, không phải ai cũng đạt được.   Nhân dịp lễ mừng Thọ 80 tuổi một vị họ hàng thân thuộc, ngoài quà tặng và món Bánh Trái Đào, Tứ Diễm vẫn muốn làm một món ăn vừa ngon miệng vừa bắt mắt mà lại có ý nghĩa chúc Thọ.  Sau khi suy nghĩ và tìm hiểu, Tứ Diễm nhận thấy bức tranh Đồng Tùng Hạc Diên Niên (hay còn gọi là Tùng Hạc Diên Niên 松鶴延年) vừa đẹp lại vừa có ý nghĩa rất hay.

Người xưa thường xếp cây Tùng là một trong ba loại "tuế hàn tam hữu 歲寒三友", chịu được thời tiết khắc nghiệt, dẫu gặp sương gió băng tuyết vẫn tươi xanh tựa như khí tiết thanh cao của người quân tử luôn vững lòng tin, sáng suốt giải quyết mọi khó khăn, không chùn bước trước nghịch cảnh.  Cây Tùng thường mọc nơi núi cao cheo leo, dẫu đất đá khô cằn nhưng cây vẫn phát triển tốt và bền bỉ trải qua bao năm tháng, mưa gió vẫn không bị bẻ gẫy tựa như những vị cao nhân hiền triết có tâm hồn ngay thẳng trong sạch, tinh thần bất khuất, không bị vẩn đục trong vòng đua chen danh lợi, tham sân si.

Nhắc đến Tùng, tự nhiên lại liên tưởng đến Hạc.   Hạc là loài chim quý hiếm, sống lâu.  Loài Bạch Hạc với bộ lông trắng biểu tượng sự thanh khiết, cao quý.   Mầu lông đỏ trên đầu, thuộc hành Hỏa, tượng trưng cho sức sống dẻo dai bền bỉ.  Đôi Hạc và Cây Tùng thường được chọn làm chủ đề chính cho nhiều tác phẩm nghệ thuật hội họa, điêu khắc hay các bức tranh thêu tay, thêu máy, thêu chữ thập với ý nghĩa tượng trưng cho sự cao sang, an lạc, bền vững và trường thọ.

Diên Niên là từ Hán Việt, cũng có ý nghĩa chỉ việc trường thọ, sống lâu.   Vì thế mới có câu chúc "diên niên trường thọ".

Như vậy bức tranh Đồng Tùng Hạc Diên Niên 同 松鶴延年  (hay còn gọi là Tùng Hạc Diên Niên 松鶴延年) vừa đẹp lại vừa có ý nghĩa thay lời chúc giữ mãi khí tiết thanh cao, đức tính của người quân tử và dồi dào sức khỏe, sống lâu, được trường thọ, bình an, may mắn và thịnh vượng rất phù hợp cho buổi tiệc mừng Thọ 80 tuổi.

Chủ đề chính đã chọn xong, Tứ Diễm chỉ còn nghĩ cách để biến bức tranh Đồng Tùng Hạc Diên Niên thành ra món Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên với mũi dao và đôi bàn tay cùng một chút cảm hứng sáng tác.

Mời cùng lăn vào bếp làm thử lần đầu tiên kiểu bánh nầy với Tứ Diễm nha.
 


Dụng Cụ và Nguyên Liệu 

Trong bài viết nầy là một kiểu Rau Câu Hoa Nổi mới nhất, với tên gọi Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên do Tứ Diễm vừa sáng tạo (dựa theo ý tưởng trong bức tranh Đồng Tùng Hạc Diên Niên) để làm quà mừng Thọ.

Dao (Paring Knife)

Tuy gọi là Rau Câu Hoa Nổi nhưng kiểu rau câu nầy không có hoa mà chỉ có lá, cây và chim.  Thêm vào nữa, Tứ Diễm cũng không hề dùng khuôn hay các loại dụng cụ cắt tỉa đặc biệt nào cả.   Tứ Diễm chỉ dùng một cây dao nhỏ loại paring knife ở vị trí thứ tư tính từ tay trái trong hình bên dưới (nếu muốn biết thêm chi tiết có thể xem bài Dụng Cụ Nhà Bếp - Dao Tỉa Rau Củ).   Thêm vài cái nồi, chén, muỗng.   Nói chung là các thứ dụng cụ nhà bếp rất phổ biến trong việc bếp núc thường ngày.   Đơn giản như đang giỡn, phải không hở?


Tuy nhiên để hoàn tất món Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên nầy sẽ cần nhiều thời gian, sự khéo léo của đôi tay và một chút căn bản về hội họa để có thể "vẽ" bằng mũi dao từng đường nét, pha trộn mầu sắc để tạo nên một "bức tranh" vừa có thể ngắm, vừa có thể ngửi (mùi thơm), vừa có thể sờ, vừa có thể nếm và ăn được.   Thật là thú vị, phải không hở?

Nguyên Liệu Căn Bản

Chủ đề đã có, dụng cụ đã có.    Bây giờ bắt đầu tính đến các nguyên liệu cần dùng.  Tứ Diễm chọn loại Jelly Powder nấu với nước dừa (coconut water), nước cốt dừa (coconut milk) và nước lá dứa để ổ bánh có hương vị thơm ngon lại lạ miệng nhờ vị dẻo dẻo dai dai giòn giòn đặc biệt của Jelly. 


Ở chợ gần nhà có bán hai loại Jelly Powder như trong hình bên dưới.   Hai gói bên tay phải là nhập khẩu từ Singapore.  

 

Loại bên tay trái được in trên nhãn hiệu "Material imported from Indonesia".


Tứ Diễm thường mua cả hai loại để sẵn, nhưng cách đây ít lâu Tứ Diễm vừa mang mấy gói Konnyaku Jelly Powder tặng người quen.  Chỉ còn mấy gói Bột Rau Câu nên Tứ Diễm dùng làm món Rau Câu Tùng Hạc Diên Niên.  Có thể xem thêm chi tiết và hình ảnh trong bài Nguyên Liệu Thực Phẩm - Jelly Powder

Food Colours

Và để "vẽ", Tứ Diễm còn dùng một hộp Wilton 12 Icing Colors như hình bên dưới.  Có thể mua lẻ từng hộp mầu riêng biệt, nhưng Tứ Diễm thích mua nguyên hộp như vầy hơn vì có nhiều sắc độ khác nhau.   Khi nào dùng hết, Tứ Diễm mới mua lẻ riêng sau.  Hộp Food Colour nầy Tứ Diễm mua từ lâu lắm rồi nhưng vì hiếm khi dùng đến nên hầu như vẫn còn nguyên vẹn.  Có nhiều mầu còn nguyên chưa mở ra dùng lần nào.  


Hộp bao gồm 12 lọ nhỏ với các mầu sắc như trong hình bên dưới

Brush Set & Food Writer Food Colour Markers

Đã có "mầu vẽ" thì cần có "cọ vẽ", phải không hở?  Đây là quà tặng của một người bạn dễ thương ở phương xa.  Tiếc là chưa có cơ hội để "vẽ" cho bạn xem tận mắt.   Với bộ cọ vẽ nầy có thể dùng vẽ rất nhiều "bức tranh" ngon ngọt tùy ý thích.


Với một số sis thắc mắc về việc viết chữ.   Nếu quen viết kiểu chữ Hán, dùng cọ vẽ để viết sẽ đẹp hơn vì có thể chấm phá những đường nét đậm nhạt uyển chuyển bay bướm.  Nếu muốn đơn giản, dùng loại Wilton Food Write Edible Colour Makers như hình bên dưới sẽ dễ dàng hơn vì chắc hẳn ai cũng đã quen cầm bút từ nhỏ rồi mà hén.


Dùng Edible Colour Markers dễ hơn, nhưng chỉ có vài mầu sắc chính.   Còn nếu dùng cọ vẽ (Deluxe Brush Set) kèm với Food Colours thì tha hồ pha mầu và tô điểm cho bức tranh những nét chấm phá tùy theo cảm hứng của mình.

Nguyên liệu và dụng cụ chỉ đơn giản vậy thôi.  Giờ cùng vào bếp "múa" nghen.


 
Bắt Đầu Lăn Vào Bếp

Tứ Diễm dùng loại lá dứa đông lạnh như hình bên dưới.


Rửa sạch, cắt nhỏ, xay với nước trong máy xay sinh tố rồi vắt và lọc lấy phần nước lá dứa.  Được khoảng gần 2 cup nước lá dứa  mùi thơm dịu.


Nấu nước dừa + nước cốt dừa cho gần sôi mới cho nước lá dứa vào.    Nấu vừa sôi thì vừa cho jelly powder đã trộn đều với ít đường vừa khuấy cho tan đều.   Nước dừa có vị ngọt dịu rồi nên không cần nhiều đường.


Khi Jelly Powder đã tan đều thì đổ ngay vào khuôn silicone rồi chờ đông lại.    Vậy là Tứ Diễm đã hoàn tất phần đáy ổ bánh Jelly Panda Cake rồi đó.   Đây cũng là bước đầu tiên dễ làm nhất.   Lớp bánh nầy có mầu xanh lá dứa, thơm mùi lá.  Lại thêm thoang thoảng mùi dừa với vị dịu ngọt thanh của nước dừa, vị dẻo dẻo dai dai giòn giòn rất độc đáo của Jelly.


Bước kế tiếp là đổ thêm một lớp mầu trắng thơm mùi dừa để làm nền cho bức tranh Đồng Tùng Hạc Diên Niên mà Tứ Diễm sẽ vẽ bằng... dao (paring knife).   Bước nầy đơn giản và dễ làm nên Tứ Diễm không chụp hình.

Ngoài ra Tứ Diễm còn đổ rau câu thành những mầu hồng, đỏ, xanh lá cây, nâu.   Sau khi rau câu đã đông, Tứ Diễm dùng mũi dao paring knife cắt các mầu rau câu thành từng mảnh nhỏ.  Việc cắt, ghép nầy đòi hỏi sự tỉ mỉ và cũng tốn khá nhiều thời gian, cũng như cần có nguồn cảm hứng sáng tác nên khó có thể miêu tả lại qua hình chụp step by step, vì lúc đó Tứ Diễm chú tâm "vẽ" nên cũng không nhớ và nghĩ đến việc vừa làm vừa chụp hình từng chi tiết.

Khi vẽ tranh lụa trên khung vải, ít nhất còn có thể phác thảo bố cục bức tranh bằng bút chì thật nhẹ, sau đó mới dùng cọ tầu tô điểm mầu sắc cho bức tranh sinh động.  Còn khi "vẽ" món Đồng Tùng Hạc Diên Niên Tứ Diễm không thể dùng dao hay bút để vẽ lên mặt lớp nền rau câu trắng.  Thêm vào nữa, vì đây là lần đầu tiên Tứ Diễm "vẽ tranh" sơn thủy theo kiểu nầy mà lại hoàn toàn không có một khuôn hay mẫu để bắt chước theo nên đòi hỏi Tứ Diễm phải tự nghĩ cách phù hợp để có thể hoàn tất "bức tranh" theo ý muốn.

Vì không thể phác thảo các nét chính nên Tứ Diễm chỉ có thể tập trung tinh thần, "vẽ" hình ảnh trong trí óc rồi dùng bộ óc điều khiển các ngón tay tạo nên đường nét những mảnh rời cần thiết.   Sau đó cần nhẹ nhàng mang từng mảnh rau câu đó đặt lên nền "bức tranh", từ từ ghép lại.  Kích thước mỗi mảnh cần tương xứng phù hợp để toàn thể bức tranh cân đối hài hòa, không bị bất cân xứng.  Rau câu mềm mại dẻo nhưng nếu mạnh tay cũng có thể bị bể, do đó cần nhẹ tay khi cắt ghép để từ một bức tranh phẳng hai chiều 2-D tạo thành một món rau câu nổi ba chiều dạng 3-D. 

Cách làm nầy tuy hơi tốn công và thời gian nhưng kể ra cũng thú vị, phải không hở?


 
Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên

Thoạt đầu chỉ là những mảnh mầu rời rạc, nhưng dần dần trên nền rau câu trắng đã rõ rét hơn.   Sau khi đã dành nhiều thời gian "múa dao", cuối cùng Tứ Diễm cũng đã ghép rất nhiều mảnh rau câu lại để tạo thành một "bức tranh" sơn thủy Đồng Tùng Hạc Diên Niên thơm ngon như hình bên dưới.

Tứ Diễm gọi đây là món Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên.  Có lẽ đây cũng là kiểu rau câu độc nhất vô nhị vì trước đây chắc hẳn chưa ai làm qua, và sau nầy có lẽ Tứ Diễm cũng không làm lại cùng một kiểu giống hệt như vầy nữa.  Do đó, Tứ Diễm giữ bản quyền kiểu trang trí rau câu như hình bên dưới nha quý vị.



Khi nhìn gần hơn sẽ thấy đôi Hạc đậu trên một nhánh Tùng cổ thụ với nhiều tán lá xanh tươi tốt xum xuê vươn về hướng mặt trời.  


Kèm theo lời chúc "Thọ tỷ Nam Sơn bách lão Tùng".   Chỉ riêng câu chúc nầy Tứ Diễm cũng suy nghĩ tới lui nhiều lần.   Thoạt đầu định "vẽ" một chữ Thọ theo kiểu tiếng Hoa, nhưng khi tìm hiểu thì thấy có nhiều kiểu viết chữ khác nhau, như kiểu chữ triện, chữ kiểu thư pháp, chữ kiểu lạc thảo, chữ kiểu phồn thể, chữ kiểu giản thể, vv.. vv..  Với vốn liếng chữ Hán đong không đầy một cái lá me của Tứ Diễm, chỉ e "vẽ" xong không ra chữ Thọ mà lại thành chữ gì đó (có mà... Trời mới biết là chữ gì) thì nguy to.  Thôi thì cứ viết theo chữ tiếng Việt cho đơn giản mà lại khỏi lo bị lâm vào cảnh "chữ tác đánh chữ tộ".  Lỡ bị mang thêm cái tội "dốt mà ham... vẽ chữ" thì mắc cở lắm lắm.


Với phần rau câu pha mầu nước lá dứa, Tứ Diễm cắt riêng từng mảnh nhỏ rồi ghép từng mảnh lại thành tán lá cho cây Tùng


Những tán lá phủ kín bên dưới "mắt" cây cho thấy đây chỉ là một phần ngọn phía trên của cây Tùng mà đã cao ngất trời như vầy.   Phải là cây Tùng cổ thụ ít nhất cũng hơn cả trăm năm (bách lão Tùng) mới có kích thước to lớn như vậy.


Nếu quan sát kỹ sẽ thấy "mắt" cây Tùng nổi cao lên cùng các tán lá xanh xếp lớp xen kẽ nhau tạo nên điểm sinh động cho "bức tranh".


Như đã nhắc đến ở trên, Hạc là loài chim quý hiếm, sống lâu.  Loài Bạch Hạc với bộ lông trắng biểu tượng sự thanh khiết, cao quý.   Mầu lông đỏ trên đầu, thuộc hành Hỏa, tượng trưng cho sức sống dẻo dai bền bỉ.  Cùng với vầng thái dương vừa hé dạng, với sắc hồng đỏ (phải chăng vì thế còn được gọi là Hồng Nhật 紅日?) tượng trưng cho một ngày mới đầy sức sống và hy vọng vừa bắt đầu.


Vì đây là lần đầu "vẽ tranh" theo kiểu nầy nên Tứ Diễm còn chưa có kinh nghiệm, phải vừa làm vừa suy nghĩ.   Trong tương lai, nếu một hôm nào khác có ngẫu hứng, Tứ Diễm nghĩ "bức tranh" kế tiếp có lẽ sẽ làm gọn lẹ và hoàn chỉnh hơn.  

Mời cùng thưởng thức bằng mắt món Rau Câu Đồng Tùng Hạc Diên Niên nha.



Ngoài ra, Tứ Diễm còn làm thêm món Bánh Trái Đào để mừng Thọ


Mời xem thêm hình ảnh và chi tiết trong bài Bánh Trái Đào 2015



Nếu có hứng thú, mời xem thêm các bài viết
Tất cả các kiểu rau câu do Tứ Diễm tự chế biến, Tứ Diễm ưu tiên giữ bản quyền nha.  Nếu vị nào muốn làm theo, xin vui lòng liên lạc hỏi qua ý của Tứ Diễm trước.   Xin thành thật cám ơn

 
          edit

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét